Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Lòng vị tha luôn cần trong cuộc sống

Klanarong Srisakul là một cái tên xa lạ và khó đọc với ai không phải là cư dân Thái. Nhưng tên của chàng thanh niên này đã được hàng triệu người trên thế giới biết đến khi trong lễ tốt nghiệp, anh bận lễ phục của Đại học Chualongkorn danh tiếng nhất nước Thái, tìm người cha của mình và quỳ rạp xuống để lạy ông bên chiếc xe tải chở đầy rác bẩn. Anh bày tỏ lòng biết ơn với người cha mới chỉ học qua lớp 4 đã dành cả cuộc đời để nuôi dạy mình.

Trên trang cá nhân, Klanarong Srisakul tâm sự, cha anh là một người lái xe chở rác. Khi còn là một đứa trẻ, không biết bao nhiêu lần, anh đã cảm thấy xấu hổ về người cha lam lũ của mình. Nhiều lần, Klanarong Srisakul tự hỏi tại sao cha mình không mặc đồng phục đẹp đẽ hơn, như đồng phục của cảnh sát hay quân đội giống những người cha khác. Sống bên nhau, hai cha con chia sẻ một giấc mơ. Cha anh chỉ học đến lớp 4, vì thế ước mơ lớn nhất của ông là con được đi học. “Ông nói với tôi rằng, gia đình tôi chẳng có bất cứ tài sản gì, nhưng ông có thể cho tôi đi học. Tôi muốn trở thành một người lính, nhưng tôi đã không vượt qua kỳ thi đầu vào. Tôi phát hiện ra rằng, cha tôi đã khóc thầm” . Và rồi những giọt nước mắt của người cha đã làm cho Klanarong Srisakul vượt qua căng thẳng và anh quyết tâm thi đậu vào ngành kỹ thuật của Chualongkorn, trường xếp hạng trong 100 trường kỹ thuật tốt nhất thế giới.

Lòng biết ơn của chàng trai người Thái với người cha của mình thật đẹp. Nó như một món quà làm cho tôi và những ai biết đến câu chuyện này thêm những khoảng khắc tin tưởng vào cuộc sống.

Tuy nhiên, tôi cũng suy nghĩ nhiều về thực tế trong khi ở nhiều quốc gia trên thế giới, “cảm ơn” là khái niệm được dạy để trở thành bản năng trong hành xử hàng ngày của mọi người, thì ở Việt Nam không dễ để nghe mọi người nói lời này. Trong công sở, học đường, thậm chí trong cả bệnh viện, nơi kinh doanh khi kết thúc một công việc, nhiều khi tôi cảm thấy hẫng hụt vì thấy thiếu vắng lời cảm ơn…


Ở một khía cạnh khác, lòng biết ơn nhiều khi lại trở thành công thức. Đó là khi nó được viết thành câu chữ trong các bài phát biểu theo mẫu mà dễ dàng tìm thấy trong nhiều sự kiện hàng ngày kiểu như: “Để có được ngày hôm nay, chúng em xin tỏ lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô, các đoàn thể đã tạo điều kiện”. Những công thức này đã làm mất đi cốt lõi quan trọng của việc bày tỏ lòng biết ơn, đó là lời nói đi đôi với sự chân thành và khả năng thể hiện cảm xúc của bản thân với người khác. Khi nói lời cảm ơn, ta có thể diễn tả một mối chân tình đơn sơ rằng ta biết mình là một phần của cộng đồng của những người liên kết với nhau. Và ta cảm thấy an bình, chan hòa và ấm áp vì không đơn độc trong cuộc sống.

Bởi thế nên tôi luôn mong ước rằng mỗi gia đình hay các thày cô sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc dạy trẻ lòng biết ơn mỗi ngày. Một điều tưởng như rất cũ nhưng lại luôn cần thiết. Hãy nhìn sang một quốc gia tiên tiến như nước Anh, ta có thể học tập điều này. Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 80% các bậc cha mẹ tại Anh vẫn coi “cảm ơn” là bài học quan trọng nhất mà họ dạy dỗ cho trẻ em

Mà tôi nghĩ, đôi khi lòng biết ơn có thể đến với chúng ta qua những gì rất nhỏ nhoi nhưng chân thật, ví như bài văn hồi lớp 1 của tôi trích từ sách “Những tấm lòng cao cả” và có lẽ nó sẽ không bao giờ lạc hậu, cho dù xã hội đã thay đổi rất nhiều: “Con ơi! Phải kính yêu thầy giáo con. Hãy yêu thầy vì cha yêu thầy và trọng thầy. Hãy yêu thầy, vì thầy đã hy sinh đời thầy để gây hạnh phúc cho biết bao nhiêu đứa trẻ sẽ quên thầy. Hãy yêu thầy vì thầy mở mang trí tuệ và giáo hóa tâm hồn cho con. Rồi đây, con sẽ trưởng thành, thầy cùng cha sẽ không còn ở trên đời này nữa, lúc ấy con sẽ thấy hình ảnh thầy thường hiển hiện ở cạnh cha, lúc ấy con sẽ thấy nét đau đớn và lao khổ trên mặt thầy làm cho con phải cực lòng mặc dầu đã cách hàng 30 năm. Rồi con tự thẹn và con ân hận đã từng không yêu người và trái đạo với người”.


















Xem thêm 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét